Thành lập Biệt khu Hải Yến Nguyễn_Lạc_Hóa

Bài chi tiết: Biệt khu Hải Yến

Với sự hỗ trợ từ chính phủ Ngô Đình Diệm, với chính sách hỗ trợ giáo dân Công giáo định cư, tại các khu dinh điền Cái Cám và Bình Hưng, mỗi gia đình được 30 công đất, một con trâu, 2 lu đựng nước, 1 chiếc xuồng, gạo ăn 6 tháng và cất cho 1 căn nhà. Mỗi khu đều xây dựng một nhà thờ lớn, xây tượng Đức mẹ và thánh giá.

Quy mô của các khu dinh điền này ngày càng mở rộng khi tiếp nhận thêm 120 gia đình dân tộc thiểu số Trung Hoa. Năm 1958, với số dân cư khá đông và được kiểm soát chặt chẽ, quy củ và đủ điều kiện thành lập biệt khu quân sự, linh mục Hóa chủ động đề nghị Tổng thống Diệm chuẩn y xây dựng biệt khu trên cơ sở khu dinh điền Bình Hưng, lấy tên là Biệt khu Hải Yến.

Từ năm 1959 - 1960, linh mục Hóa được chấp thuận tuyển mộ để thành các trung đội địa phương quân. Tổng thống Diệm cũng đặc biệt ưu tiên cấp phát trang thiết bị, súng đạn, phục vụ cho việc xây dựng Biệt khu Hải Yến Bình Hưng. Linh mục Hóa cũng được Tổng thống Diệm phong làm Tư lệnh Biệt khu Hải Yến và đồng hóa với cấp bậc thiếu tá.

Biệt khu quân sự được xây dựng vững chắc với diện tích gần 80 ha, xung quanh có bờ thành bao bọc cao 1,2 mét, rộng 04 mét, trên bờ thành được bố trí nhiều chòi gác, phía ngoài có 5 – 7 hàng rào dây chì gai, có đóng đồn bót chốt giữ những nơi có đường giao thông huyết mạch để khống chế và kiểm soát mọi hoạt động của đối phương. Bên trong căn cứ là một hệ thống cơ quan dân sự và quân sự được trang bị khá hiện đại như: Sân bay, Sở chỉ huy, Cố vấn Mỹ, Nhà thờ, Khu gia đình, Trại giam, Bệnh viện và nhiều loại vũ khí hạng nặng, tàu tuần tiễu…

Năm 1965, Biệt khu Hải Yến có quân số dao động từ 1.200 - 1.800 quân, gồm: Tiểu đoàn bảo vệ, Thủy quân lục chiến, Bảo an, Thám báo, biệt kích Mỹ, Dân vệ, Phòng vệ dân sự, Bảo vệ hương thôn, Phượng hoàng, đội xây dựng nông thôn và 6 ban chuyên môn: Điều tra, Hậu cần, Hộ tịch, Hiến binh, Công binh, Giao thông, ngoài ra còn có hệ thống Tình báo, Gián điệp, Điềm chỉ, Mật vụ. Bình Hưng là chỉ huy sở, xung quanh Bình Hưng có 23 đồn như: Kinh Mới, Quảng Phú, Vàm Đình, Dinh Điền, Đường Cày, Cái Đôi Vàm, Sào Lưới, Cái Bát, Rạch Chèo, Tân Quảng, Gò Công, kinh Đứng, Hào Xuân, Thợ May, Ba Tiêm.